Sau một tuần đắp lá trầu không, làn da của chị Thanh sáng mịn, mờ nám. Tuy nhiên, sau khi ngừng sử dụng, da xuống cấp, nám trở lại, xuất hiện nhiều chấm trắng, đen loang lổ.
Bước sang tuổi trung niên, làn da của chị Nguyễn Thị Thanh (Hà Nội) xuất hiện nhiều vết nám. Được người quen giới thiệu, người phụ nữ này đã sử dụng một loại mặt nạ làm từ lá trầu không. Tuần đầu tiên sử dụng, làn da của chị được cải thiện rõ rệt, trắng hồng, mịn màng. Tuy nhiên, sau khi ngừng đắp, phần nám má lại xuất hiện. Vì vậy, suốt 3 năm qua, chị Thanh liên tục bỏ rồi dùng lại sản phẩm làm đẹp này.
Gần đây, làn da của chị có những đốm trắng, đen loang lổ. Người phụ nữ 50 tuổi tiếp tục dùng thuốc, nhưng càng cố gắng sử dụng, tình trạng lại trầm trọng hơn.
Quá lo lắng, chị đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám. Tại đây, bác sĩ cho thấy toàn bộ da mặt của bệnh nhân là màu đen xen kẽ chấm trắng giảm sắc tố. Theo nhận định ban đầu của bác sĩ, có thể chị Thanh mắc bệnh giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm thăm khám cho bệnh nhân da loang lổ vì làm đẹp từ thiên nhiên. Ảnh: Hồng Hải. |
Ba giai đoạn làm hỏng da của lá trầu không
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội), cho biết lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng nhanh. Nhóm này bao gồm benzen, phenol, catechol, hydroquinone. Nếu dùng lâu dài thuốc sẽ làm mất hoàn toàn màu da tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố. Tác dụng giảm sắc tố của những chất này sẽ tự mất đi theo thời gian giống như sử dụng hydroquinone trong điều trị nám má, tăng sắc tố sau viêm.
Phản ứng viêm của bệnh nhân chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu nhờ nhiều hoạt chất tác dụng hiệp đồng nên da trắng sáng nhanh chỉ trong 1-2 tuần sử dụng. Tuy nhiên, sau đó khoảng một tháng, bệnh nhân sẽ bị tăng sắc tố gây đen da. Giai đoạn tiếp theo, người sử dụng hoạt chất này có thể gặp triệu chứng giảm sắc tố trên nền tăng sắc tố, với biểu hiện da đen trắng từng chỗ.
Trong lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng nhanh. Ảnh: Justdial. |
Bác sĩ Tâm cho hay nhiều người có thói quen ăn trầu cũng dẫn đến việc giảm sắc tố vùng khoang miệng. Với biến chứng của phenol, các bác sĩ sẽ phải tiến hành giải quyết tình trạng tăng – giảm sắc tố cho bệnh nhân, có thể bằng thuốc bôi, chiếu tia UVB,… Thông thường, làn da của bệnh nhân có thể phục hồi sau một năm điều trị. Các trường hợp nặng cần điều trị bằng công nghệ cao hơn, thậm chí phải ghép da, ghép tế bào.