PGS.TS Đặng Đức Anh cho biết Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiêm vắc xin ComBE Five theo đúng kế hoạch trên phạm vi toàn quốc.
Theo PGS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến 6/1/2019, vắc xin ComBE Five đã được triển khai tại 19 tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc với 101.862 trẻ được tiêm.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc được ghi nhận là 1,73%.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến ngày 27/12, đã có 12 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBe Five gồm: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An với tổng số trẻ được tiêm là 69.929 trẻ. Theo báo cáo của các địa phương, ngoài phản ứng thông thường như (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc…) ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum với tỷ lệ khoảng 0,05% – 5,5%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Tỉnh Nam Định có hai trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36 đến 48 tiếng. Tuy nhiên, Hội đồng đánh giá tai biến phản ứng nặng sau tiêm chủng của tỉnh Nam Định kết luận: Trẻ tử vong không nghĩ đến phản vệ nặng liên quan đến vắc xin; không do thực hành tiêm chủng; việc tử vong chưa xác định được nguyên nhân… Ngoài hai trường hợp bị tử vong trên, sau tiêm chủng, toàn tỉnh Nam Định ghi nhận có 40 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị vì bị sốt cao, quấy khóc, một số trường hợp bị tím tái toàn thân, khó thở từ nhẹ đến nặng. Ngoài ra còn có 716 trường hợp có một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau tại vị trí tiêm. Các trường hợp trên đều đã được xử lý, sức khỏe trẻ đã ổn định.
Hiện việc tiêm đồng bộ trên cả 63 tỉnh, thành chưa thể triển khai vì mỗi địa phương có lịch tiêm khác nhau. Bộ Y tế đang cố gắng cuối tháng 1 sẽ triển khai trên quy mô toàn quốc tiêm vắc xin ComBe Five.
PGS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến 6/1/2019, vắc xin này đã được triển khai tại 19 tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc với 101.862 trẻ được tiêm. Ảnh: HN |
“Tất cả vắc xin nhập khẩu về Việt Nam nói chung và vắc xin ComBE Five nói riêng đều được chuyển về theo lô, được kiểm định riêng biệt không phải kiểm định một lần. Do đó, một vài lô đầu tiên không đạt tiêu chuẩn kiểm định, chúng tôi không đưa vào sử dụng. Còn những lô vắc xin được đưa vào tiêm ở diện nhỏ và tiêm tại 19 tỉnh, thành đều đạt tiêu chuẩn an toàn qua kiểm định, được cấp giấy phép lưu hành”, ông Đức Anh khẳng định với báo chí.
Trước thông tin có địa phương xin tạm dừng tiêm vắc xin ComBE Five, ông Đức Anh phủ nhận và cho hay: “Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành tiêm vắc xin ComBE Five theo đúng kế hoạch trên phạm vi toàn quốc”.
Bên cạnh đó, cũng theo vụ Viện trưởng này, vắc xin này được đánh giá đạt tiêu chuẩn theo Tổ chức Y tế thế giới. Trước khi sử dụng ở Việt Nam, vắc xin này đã được sử dụng tại 39 quốc gia khác với 400 triệu liều.
Về tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng của vắc xin ComBE Five so với Quinvaxem, ông Đức Anh cho biết sơ bộ tỷ lệ phản ứng sau tiêm thường gặp của vắc xin ComBE Five nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới. “Quinvaxem được tiêm từ năm 2010-2018 đến nay với số lượng sử dụng lớn tới 10 triệu liều. Trong khi đó, ComBE Five mới sử dụng từ tháng 11/2018 đến nay với khoảng 100.000 liều nên không so sánh được chính xác”, ông Đức Anh nói.
Trước vấn đề về việc tập huấn kỹ lưỡng cho nhân viên y tế trong công tác khám sàng lọc tại các trạm y tế xã, phường, ông Đức Anh khẳng định không chỉ riêng ComBE Five mà tất cả các loại vắc xin đều có lớp tập huấn và cán bộ tham gia tiêm chủng đều phải có chứng chỉ. Trong đó, những cơ sở tiêm dịch vụ cũng được tập huấn giống như tập huấn với trạm y tế xã, phường.
Chuyên gia khuyến cáo các phụ huynh khi cho con tiêm xong tại cơ sở y tế xã, phường phải theo dõi 30 phút. Khi về nhà, các phụ huynh theo dõi con trong thời gian 24-36 giờ. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt cao từ 39 độ C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú… phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng, nên đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.