Từ đầu năm đến nay, virus sởi phát triển, gia tăng số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế. Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) trung bình mỗi tháng khoảng 10 trường hợp.
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Hiện khoa có 6 ca sởi nhập viện nặng, đặc biệt có 2 ca bệnh mắc sởi trên cơ địa có thai và mắc phổi mãn tính. Nhiều người nghĩ sởi chỉ gặp ở trẻ em, tuy nhiên trên thực tế tại khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi là người lớn.
Bệnh nhân N.T.A (24 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nôi) đang mang thai tuần thứ 25. Đây là lần thứ 2 mang thai của chị. Cách đây khoảng hơn 1 tuần, chị bỗng nhiên sốt cao, rồi các ban liên tục mọc từ mặt, cổ, lan xuống người. Lo lắng vì đang mang thai, chị A vào Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc sởi và cho điều trị nội trú.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời điểm này cũng điều trị cho 20 ca mắc sởi.
PGS.TS Đỗ Duy Cường lo ngại dịch sởi quay trở lại theo chu kỳ 5 năm (năm 2014 dịch sởi cũng bùng phát ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó tại khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai cũng phải điều trị cho 100 bệnh nhân là người lớn). Vài tháng trở lại đây, khoa đã tiếp nhận tới 50 ca mắc sởi. Điều đáng lưu ý, bệnh nhân sởi gặp chủ yếu ở phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi. Khi được hỏi, hầu hết bệnh nhân không nhớ đã tiêm vaccine phòng bệnh chưa.
“Không ít trường hợp chẩn đoán nhầm, nhiều bệnh nhân được chuyển đến từ các khoa khác như dị ứng hoặc nhầm với sốt do virus, rubella”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.
Báo cáo của Bộ Y tế, năm 2018 tình hình bệnh dịch sởi có tăng đột biến. Cả nước có gần 8.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có gần 1.700 trường hợp dương tính với sởi, 2 ca tử vong (Hưng Yên, TPHCM).
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virrus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh lây theo đường hô hấp hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.
Trẻ em không được tiêm vaccine sởi đầy đủ; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; Vệ sinh môi trường thường xuyên…